Thị trường bất động sản Tây Ninh nhiều khởi sắc
Là một “miếng đệm” quan trọng trên đường kết nối thành phố lớn nhất cả nước với Vương quốc Campuchia, Tây Ninh như một viên ngọc sáng nhưng chưa được mài giũa. Mặc dù sở hữu nhiều những tiềm năng lớn nhưng chưa phát triển xứng tầm. Mới đây, tỉnh thành này mới có nhiều khởi sắc và ngày càng năng động với vô vàn cơ hội phát triển nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đầu tư bất động sản.
Sự phát triển của Tây Ninh còn khá khiêm tốn so với tiềm năng sở hữu
Tây Ninh là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, từng được biết đến là một tỉnh thuần nông nay đã chuyển mình với nền kinh tế được vực dậy mạnh mẽ, công nghiệp, dịch vụ ngày càng phát triển và thu hút dòng đầu tư trong và ngoài nước.
Nằm ở vị trí cầu nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Phnôm Pênh, Tây Ninh cách Thành phố Hồ Chí Minh 99 km theo đường Quốc lộ 22, cách biên giới Campuchia 40 km về phía Tây Bắc, phía đông giáp tỉnh Bình Dương và Bình Phước, phía nam giáp TP. HCM và tỉnh Long An. Ngoài ra, tỉnh này còn có sự chuyển tiếp giữa vùng núi và cao nguyên Trung bộ xuống đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ. Có thể nói, Tây Ninh sở hữu một vị trí chiến lược mà không một tỉnh thành nào có được trong lợi thế giao thương và ngoại giao với nước láng giềng, cũng như sự liên kết toàn diện với nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Tây Ninh là một tỉnh thành được thiên nhiên ưu ái với những thắng cảnh tươi đẹp, nên thơ
Là một trong những tỉnh giữ vai trò đặc biệt đối với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh được xem là đầu mối giao thương và là cửa ngõ giao thông về đường bộ quan trọng phía Tây Nam Việt Nam. Không chỉ có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng quốc gia, Tây Ninh còn là nơi trung chuyển hàng hóa và dịch vụ-thương mại-du lịch của các nước tiểu vùng sông Mêkông vì có vị trí địa lý nằm trong trục không gian phát triển chính của vùng. Một số trục đường huyết mạch mà tỉnh thành này sở hữu phải kể đến: trục dọc có tuyến cao tốc đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14-tuyến N2) đi qua, trục ngang có tuyến đường Xuyên Á (thành phố Hồ Chí Minh –cửa khẩu Mộc Bài) và quốc lộ 22 B (Gò Dầu-cửa khẩu Xa Mát).
Với nhiều tiềm năng quan trọng sẵn có, cùng với thiên nhiên non nước hữu tình, Tây Ninh có đủ điều kiện để phát triển kinh tế bền vững và đặt nhiều mục tiêu kinh tế lớn. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 7,2%, cao hơn mức bình quân chung cả nước. Quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,68 lần so với giai đoạn trước. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.135 USD, cao gấp 1,51 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm 76,9% trong GRDP.
Tuy nhiên, kinh tế Tây Ninh tuy tăng trưởng nhanh, một số lĩnh vực đạt kết quả nổi bật, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
So với các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ và các tỉnh tiếp giáp với TP Hồ Chí Minh như Bình Dương, Đồng Nai thì Tây Ninh vẫn còn phải chạy một chặng đường dài để theo kịp các tỉnh thành này về kinh tế, xã hội. Có thể thấy rằng, quy mô, năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế Tây Ninh tuy có nâng lên song còn khiêm tốn. Giá trị sản xuất các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ phát triển chưa đạt như kỳ vọng. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, chưa đa dạng, chưa kết nối được sản xuất trong nước với khu vực FDI. Việc triển khai các dự án tại các cụm công nghiệp và khu kinh tế cửa khẩu còn gặp nhiều khó khăn, chưa đủ tạo động lực mới để phát triển.
Ngoài ra, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của nền kinh tế; quy hoạch còn bất cập, tính gắn kết liên thông với quy hoạch vùng hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Về lĩnh vực đầu tư bất động sản, mặc dù cùng tiếp giáp với TP Hồ Chí Minh, nhưng khác với Bình Dương, Đồng Nai, Long An - những tỉnh thành vùng ven đón làn sóng đầu tư ồ ạt từ xu hướng ly tâm, Tây Ninh lại như nằm ngoài tam giác dãn dân này trong khi tỉnh này vẫn sở hữu những tiềm năng sinh lời cho ngành bất động sản. Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự phát triển không ngừng của kinh tế, du lịch và hạ tầng, thị trường bất động sản Tây Ninh cũng đã bắt đầu trỗi dậy sau một thời gian trầm lắng với nhiều dự án quy mô khiến báo đài tốn không ít giấy mực.
Những yếu tố chờ hấp dẫn giúp Tây Ninh thu hút sóng đầu tư
Với 240km đường biên giới giáp 3 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia, Tây Ninh có đến 3 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát và Tân Nam), 3 cửa khẩu chính, 11 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở.
Mặt khác, tỉnh này cũng là mắt xích quan trọng khi nằm trong trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia – quốc tế chạy từ phía Bắc dọc theo bờ biển Việt Nam kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, qua cửa khẩu Mộc Bài đến Thủ đô Phnôm Pênh và các nước khu vực Asean; Trục hành lang kinh tế quốc tế từ TP.HCM chạy suốt phía Nam tỉnh Tây Ninh qua cửa khẩu Xa Mát đến Campuchia; Trục hành lang kinh tế quốc gia theo đường Hồ Chí Minh nối vùng Tây Nguyên… Chính sự phát triển của hạ tầng giao thông đã tạo ra cú hích cho kinh tế xã hội Tây Ninh, khiến thị trường bất động sản Tây Ninh cất cánh và bắt đầu thu hút các nhà đầu tư với nhiều dự án khủng.
Hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong những đòn bẩy giúp nâng tầm bất động sản Tây Ninh
Chưa kể đến, việc nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng giúp Tây Ninh hưởng lợi từ những cộng hưởng tuyệt vời được tạo nên từ yếu tố lan tỏa kinh tế vùng. Hiện Tây Ninh đã ký chương trình hợp tác phát triển với hầu hết các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm này như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu….
Ngoài ra, Tây Ninh có đất đai màu mỡ và hồ Dầu Tiếng rộng 27.000ha với nhiệm vụ phát triển đa mục tiêu. Trong đó có tiềm năng lớn phát triển năng lượng điện mặt trời ở vùng bán ngập trên 7.000ha.
Tây Ninh còn có 7 KCN, 2 khu kinh tế cửa khẩu (Mộc Bài, Xa Mát) và có ngành du lịch vô cùng phát triển bởi hàng loạt mỹ danh thu hút khách tứ phương như núi Bà Đen, tòa thánh Cao Đài, hồ Dầu Tiếng, vườn quốc gia Lò Giò – Xa Mát… cùng những món ẩm thực khó quên như bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng, muối Tây Ninh…
Chính tiềm năng du lịch to lớn và quỹ đất dồi dào, Tây Ninh đã thành công thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn Sun Group đầu tư vào Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, xây dựng tuyến cáp treo lên đỉnh núi được Guinness World Records công nhận kỷ lục “Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới”; Tập đoàn Vingroup đầu tư Trung tâm thương mại Shophouse và khách sạn 5 sao Vinpearl… Nhờ vậy, dịch vụ du lịch từng bước được cải thiện, lượng khách đến Tây Ninh ngày càng tăng, với mức tăng bình quân 15%/năm; tổng thu từ khách du lịch tăng bình quân 29,3%/năm. Cũng với sự đổ bộ của 2 “ông lớn” này, Tây Ninh khẳng định được giá trị và trở thành tâm điểm của các dòng đầu tư, trong đó có dòng đầu tư về bất động sản.
Sự hiện diện của những ông lớn trong ngành bất động sản chính là một tín hiệu tích cực báo hiệu sự trỗi dậy của bất động sản Tây Ninh
Đồng thời, để Tây Ninh trở thành điểm sáng trên bản đồ đầu tư, tỉnh này đã liên tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; trong đó, chủ yếu tập trung vào cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, đầu tư trong và ngoài nước của Tây Ninh tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2010 - 2015. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 552 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 77.943,06 tỷ đồng và 350 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 7,77 tỷ USD.
Quỹ đất Tây Ninh đủ rộng để phát triển bất động sản
Với vị trí liền kề TP.HCM, nơi có tỉ lệ gia tăng dân số cơ học tăng ngất ngưỡng và không ngừng phải đối mặt với nhiều áp lực mang tên nhà ở, môi trường, việc làm,.. Tây Ninh sở hữu quỹ đất đủ rộng và nhiều tiềm năng phát triển để các nhà đầu tư đánh bắt xa bờ. Nhất là khi quỹ đất trung tâm TP Hồ Chí Minh ngày càng khan hiếm và giá cả tăng cao, ít có khả năng sinh lời, Tây Ninh với sự hiện diện của những “ông lớn” như Vingroup, Sungroup cùng hàng loạt dự án lớn nhỏ khác được triển khai đang dần dần khiến Tây Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
Nhưng, trong khi thị trường các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu có lượng hàng mở bán lên tới hàng chục ngàn sản phẩm mỗi tỉnh, thì số lượng bất động sản mở bán tại Tây Ninh lại có phần ít ỏi. Do đó, trong những năm vừa qua, thị trường bất động sản Tây Ninh được đánh giá là có phần trầm lắng và kém phát triển hơn các vùng lân cận.
Một trong những lợi thế hiện tại của bất động sản Tây Ninh đó là quỹ đất dồi dào, tiềm năng tăng giá lớn
Tuy nhiên, trong những năm tới, khi thị trường bất động sản các địa phương khác bắt đầu có dấu hiệu bão hòa, thì thị trường bất động sản Tây Ninh lại hứa hẹn tăng tốc với nhiều tiềm năng từ quỹ đất màu mỡ và tiềm năng tăng giá.
Rõ ràng, tiềm năng có sẵn cùng sự xuất hiện của những doanh nghiệp lớn đã kéo theo sự sôi động chung cho thị trường bất động sản Tây Ninh. Năm 2020, bất chấp tình hình dịch bệnh, nhiều dự án bất động sản ở Tây Ninh được mở bán và hút khách. Các dự án của các nhà đầu tư lớn cũng đã rục rịch khởi động khiến thị trường bất động sản Tây Ninh trở thành tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, với xu hướng đầu tư ngày càng đông vào thị trường bất động sản Tây Ninh, thì các dự án đất nền tại thành phố Tây Ninh đang dần khan hiếm bởi sự săn đón của các nhà đầu tư. Để mua được đất nền tại đây, vào thời điểm này khó hơn rất nhiều bởi hầu hết quỹ đất có mặt tiền đẹp đã được đầu tư hết. Trong khi việc cấp phép một số dự án đất nền mới hiện được cơ quan có thẩm quyền xem xét cẩn trọng. Do đó, có thể nói, trong năm 2020, dự đoán đến năm 2021 và vài năm nữa, thị trường bất động sản Tây Ninh vẫn sẽ quay cuồng trong cơn sốt đất.
Trước tình trạng đẩy giá, tạo “bong bóng” bất động sản, tháng 9.2020, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành bảng giá đất áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2024. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, bảng giá đất sẽ trở thành thước đo chuẩn và kìm hãm tốc độ phi mã của giá BĐS, góp phần trấn an thị trường. Thế nhưng, bảng giá đất mới tăng cao đột biến, hầu hết các khu vực tăng trên 100% khiến hầu hết nhà đầu tư bất ngờ, hoang mang.
Đơn cử, giá đất ở đô thị tại TP.Tây Ninh đã tăng kinh khủng. Trong đó, trục đường trung tâm như Đại lộ 30/4 đoạn từ ngã ba vô Bệnh viện Quân y đến ngã ba Mũi Tàu tăng mạnh từ 11,04 triệu đồng/m2 lên 20 triệu đồng/m2; đoạn ngã ba Mũi Tàu đến ngã tư Trường Trần Hưng Đạo từ 11,53 triệu đồng tăng gần 2,7 lần, lên 30,2 triệu đồng/m2.
Theo nhiều chuyên gia bất động sản, hiện tượng đẩy giá ở một số địa phương Tây Ninh hiện nay không phải tăng theo giá trị đầu tư thật mà chủ yếu do những nhà đầu cơ “lướt sóng”. Đây là những hiện tượng không bình thường của thị trường và không phải do thực sự thiếu nguồn cung. Đến một thời điểm, khi nhiều khó khăn về chính sách được tháo gỡ, nguồn cung được bung ra thì sự sụt giảm về giá sẽ rất mạnh. Do đó, các nhà đầu tư hay khách hàng có nhu cầu tìm mua bất động sản Tây Ninh cũng nên cẩn trọng, tỉnh táo để có thể mua được bất động sản đúng giá trị.